1. Giới thiệu chung
Khoa Hóa có tiền thân là Ban Hóa - Địa thuộc Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, được thành lập năm 1990. Nhiệm vụ ban đầu của Khoa là đào tạo cử nhân Sư phạm Hóa học, nhưng do nhu cầu nguồn nhân lực của các tỉnh thuộc duyên hải miền Trung và Tây nguyên, các năm về sau phát triển thêm nhiệm vụ đào tạo kỹ sư Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu, cử nhân Hóa học và kỹ sư Công nghệ kỹ thuật Hóa học. Nhằm đáp ứng hơn nữa về nhu cầu nhân lực trình độ cao của khu vực và cả nước, năm 2012 Khoa đã mở đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Hóa Lý thuyết và Hóa lý. Và sau đó năm 2016 bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Hóa Lý thuyết và Hóa lý. Ngoài công tác đào tạo, Khoa còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ các yêu cầu của địa phương và xã hội.
Sứ mạng của Khoa Hóa hiện nay là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học,truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Hóa học; phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt đối với khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Trong những ngày đầu mới thành lập, tổ Hóa trong Ban Hóa - Địa chỉ có 9 giảng viên với 2 phòng thí nghiệm thực hành. Hiện nay, Khoa có 56 giảng viên trong đó có 05 phó giáo sư, 23 tiến sĩ, 21 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh ở các Đại học, Học viện lớn trong nước và một số trường đại học lớn của các nước tiên tiến. Khoa có 05 bộ môn Hóa lý - Đại cương, Hóa Vô cơ, Hóa Phân tích, Công nghệ hóa học, Hóa hữu cơ và Phương pháp dạy học và một hệ thống gồm 21 phòng thí nghiệm đảm bảo chất lượng thí nghiệm - thực hành và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học. Khoa Hóa đang từng bước trưởng thành, phát triển và đã trở thành một cơ sở đào tạo uy tín.
Về tổ chức Đảng và đoàn thể, Khoa hiện có 01 Chi bộ với 30 đảng viên, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ngoài ra, Khoa còn có các tổ chức đoàn thể khác như Công đoàn, Liên chi Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên chi Hội sinh viên hoạt động tốt, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cùng với chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng tạo thành một khối đoàn kết, thống nhất.
Về quy mô và ngành nghề đào tạo, Khoa hiện đảm nhận đào tạo 3 ngành đại học: Cử nhân Sư phạm Hóa học, Cử nhân Hóa học, Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật Hóa học (gồm 2 chuyên ngành: Công nghệ hữu cơ - hóa dầu và Công nghệ Môi trường). Về đào tạo sau đại học, khoa đang đào tạo 2 chuyên ngành thạc sĩ Hóa vô cơ, Hóa lý thuyết và Hóa lý và 01 chuyên ngành tiến sĩ Hóa lý thuyết và Hóa lý. Hiện tại, Khoa có 800 sinh viên hệ chính quy, hơn 100 học viên cao học và 06 nghiên cứu sinh đang theo học tại khoa. Hầu hết sinh viên, học viên tốt nghiệp từ Khoa đều đáp ứng tốt yêu cầu công việc và đòi hỏi của xã hội. Nhiều cựu sinh viên, học viên đã giữ trọng trách với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học công nghệ, nhà quản lý, kỹ sư thành đạt và có uy tín.
2. Ban lãnh đạo khoa qua các nhiệm kỳ
- 1990 – 1999:
+ Trưởng khoa: Nhà giáo Nguyễn Thị Nhung
+ Phó Trưởng khoa: Nhà giáo Nguyễn Tuyên
- 1999 – 2004
+ Trưởng khoa: Nhà giáo Nguyễn Mai Lê
+ Phó Trưởng khoa: ThS. Nguyễn Đình Dốc
- 2004 – 2009:
+ Trưởng khoa: PGS.TS. Nguyễn Phi Hùng
+ Phó Trưởng khoa: PGS. TS. Võ Viễn, TS. Trương Thị Cẩm Mai
- 2009 – 2014:
+ Trưởng khoa: PGS. TS. Võ Viễn
+ Phó Trưởng khoa: TS. Trương Thị Cẩm Mai, TS. Nguyễn Lê Tuấn
- 2014 – 2017:
+ Trưởng khoa: TS. Nguyễn Lê Tuấn
+ Phó Trưởng khoa: TS. Nguyễn Thị Việt Nga, PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung
-
2017 – nay:
+ Trưởng khoa: TS. Nguyễn Lê Tuấn
+ Phó Trưởng khoa: TS. Nguyễn Thị Việt Nga
3. Thành tích đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Qua hơn 27 năm từ ngày thành lập, cùng với Nhà trường, Khoa Hóa đã góp phần đào tạo hơn 1800 cử nhân Sư phạm hóa học, 1200 kỹ sư Công nghệ hữu cơ – hóa dầu và Công nghệ kỹ thuật hóa học, 600 cử nhân Hóa học và gần 100 thạc sĩ. Với những đóng góp to lớn đó, Khoa Hóa đã được vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Về công tác nghiên cứu khoa học chỉ tính trong 05 năm trở lại đây, Khoa Hóa đã có 09 đề tài cấp Nhà nước (Nafosted), 09 đề tài cấp Bộ, 03 đề tài cấp tỉnh, 25 đề tài cấp Trường Đại học đã nghiệm thu và đã công bố 69 bài báo trên tạp chí quốc tế, 197 bài báo trong tạp chí quốc gia và có 05 giáo trình phục vụ giảng dạy đại học được xuất bản ở các nhà xuất bản có uy tín. Ngoài ra, cán bộ của Khoa cũng đã đạt được một số thành tích nổi bật, tiêu biểu như sau: 01 đề tài đạt giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012 – 2013), 01 giảng viên được chọn là một trong 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu của cả nước gặp mặt Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2015; 01 giảng viên là đại biểu chính thức tham gia “Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2” do Trung ương Đoàn tổ chức (2015 – 2016); 01 giảng viên đạt danh hiệu “Trí thức tiêu biểu về khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định lần thứ nhất” (2015-2016).
Hiện Khoa đang có quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với phòng thí nghiệm Hóa học chất rắn của Trường Đại học Ewha Womans, Hàn Quốc và phòng thí nghiệm Hóa học tính toán thuộc Khoa Hóa, Đại học KU Leuven, Bỉ. Khoa cũng đang mở rộng liên kết đào tạo trình độ đại học và nghiên cứu khoa học với Đại học Prince of Songkla, Thái Lan và trình độ thạc sỹ với Đại học quốc gia Chiao Tung, Đài Loan. Khoa đã cùng với Nhà trường xây dựng và thực hiện thành công dự án VLIR-UOS (2012-2014, code: ZEIN2012-Z129) giữa Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học KU Leuven về xây dựng chương trình Thạc sỹ tiên tiến chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa lý theo chuẩn Châu Âuvà phòng thí nghiệm Hóa học tính toán và Mô phỏng tại Trường Đại học Quy Nhơn và đang thực hiện Đề án Team được VLIR-UOS tài trợ (2016-2019, code: ZEIN2016PR431). Đáng chú ý, ngoài việc trao đổi, giao lưu khoa học của cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh; nghiên cứu xử lý nước thải tôm nuôi và nước lũ; Đề án Team còn đào tạo 04 Tiến sĩ (02 thuộc diện sandwich) với nguồn học bổng trích từ Đề án.
Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng ngày càng được chú trọng và phát triển. Với sự hướng dẫn của các Thầy Cô giàu kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn cao, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa ngày đi vào chiều sâu, tăng về số lượng và chất lượng. Nhiều sinh viên Khoa Hóa đã tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải cao ở các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp quốc gia được tổ chức hằng năm như giải thưởng VIFOTEC, cấp Bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và cấp Trường.
Sinh viên của khoa bắt đầu tham gia kỳ thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc từ năm 2006 ở bảng A và sau đó cứ 2 năm một lần tham gia cuộc thi, sinh viên của khoa đều đạt thành tích cao và luôn được xếp trong top 5 toàn đoàn trong số các trường đại học chuyên Hóa bảng A trên toàn quốc tham gia cuộc thi. Nếu chỉ tính kết quả trong năm 5 trở lại đây, năm 2012 đạt 1 giải Nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba, xếp thứ 05 toàn đoàn; năm 2014: đạt 3 giải Nhì và 2 giải Ba, xếp 04; năm 2016: đạt 1 giải Nhất, 3 Nhì và 1 giải Ba, xếp thứ 05 toàn đoàn.
Trong thời gian tới, khoa Hóa tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, hoàn thiện và hiện đại hóa trang thiết bị phòng thí nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; xây dựng chương trình để mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở các bậc học phù hợp với xu thế phát triển và đáp ứng nhu cầu của xã hội; Phát huy hơn nữa nghiên cứu khoa học đặc biệt các đề tài hướng đến ứng dụng phục vụ đời sống và chuyển giao công nghệ.
Một số hình ảnh tiêu biểu về hoạt động của Khoa
Tập thể giảng viên, viên chức khoa Hóa và đại biểu trong Lễ kỷ niệm của Khoa
GS. Nguyễn Minh Thọ (KU Leuven, Bỉ) giảng dạy cho học viên cao học tại ĐHQN
Trao đổi chuyên môn với các giáo sư tại Đại học KU. Leuven, Bỉ
Sinh viên khoa Hóa trong giờ thực hành
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học thực tập kỹ thuật cơ sở ngành tại nhà máy